Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, các nhà khoa học tại bệnh viện Sheba của Israel vừa công bố một công trình nghiên cứu ngăn chặn thành công các tế bào ung thư phát triển, bằng cách thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột -nói cách khác là “tái lập trình” hệ thống miễn dịch của người bệnh.
Ảnh minh họa
Đây là kết quả của một loạt thí nghiệm lâm sàng được thực hiện tại Trung tâm Y tế Sheba – bệnh viện lớn nhất tại Israel. Năm ngoái, Sheba được tạp chí Newsweek xếp hạng là bệnh viện tốt thứ 9 trên thế giới. Tác giả công trình là một nhóm nghiên cứu do hai bác sĩ Ben Boursi và Gal Markel, chuyên về điều trị ung thư, đứng đầu.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phương pháp Cấy ghép vi sinh vật đại tràng (FMT) cho 10 bệnh nhân ung thư di căn không thể áp dụng liệu pháp miễn dịch và các phác đồ điều trị bình thường khác. Trong số 10 bệnh nhân, có 2 bệnh nhân cho thấy các khối u đã thu nhỏ lại đáng kể và một bệnh nhân có khối u đã biến mất hẳn và không tái phát hơn 2 năm sau đó. Đáng chú ý nhất là cả 3 bệnh nhân này đều xuất hiện các dấu hiệu gia tăng phản ứng miễn dịch ở cấp độ tế bào cũng như trong biểu đồ gene.
Bác sĩ Boursi giải thích: “Trong giai đoạn đầu, chúng tôi loại bỏ hệ vi sinh vật hiện có trong bệnh nhân. Sau đó, chúng tôi cấy cho họ vi sinh vật đường ruột của những người đã từng mắc u ác tính nhưng phản ứng tốt với liệu pháp miễn dịch và không tái phát bệnh trong ít nhất 1 năm”.
Hai tuần sau khi hấp thụ thành công hệ vi sinh vật mới, các bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch, như các bệnh nhân ung thư thông thường khác. Trong 3 tháng tiếp theo, họ được duy trì tiếp nhận các loại vi sinh vật mới dưới dạng các viên thuốc uống không mùi, không vị.
Bác sĩ Boursi cho biết đây là lần đầu tiên thế giới áp dụng thành công liệu pháp thay đổi hệ vi sinh vật trong đường ruột để tạo ra vi sinh vật “chiến đấu” và đẩy lùi khối u ung thư. Hiện tại, thử nghiệm cho thấy liệu pháp này chỉ có hiệu quả đối với 40 – 50% số bệnh nhân. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tin rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được hỗ trợ để chống chọi hiệu quả với căn bệnh gây t.ử v.ong hàng đầu thế giới này.
Phát hiện tế bào ung thư truyền từ mẹ sang con qua nước ối
Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc gia Nhật Bản đã công bố báo cáo khoa học về một số trường hợp ung thư lây từ mẹ sang con thông qua đường nước ối.
(Nguồn: Getty Images)
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 7/1, Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc gia Nhật Bản đã công bố báo cáo khoa học về một số trường hợp ung thư lây từ mẹ sang con thông qua đường nước ối.
Trung tâm này đã tiến hành phân tích gene di truyền tế bào ung thư của hai bệnh nhi nam 1 t.uổi và 6 t.uổi được chuẩn đoán mắc ung thư phổi.
Kết quả cho thấy các tế bào ung thư này có nguồn gốc từ tế bào gây ung thư cổ tử cung của người mẹ.
Nhóm nghiên cứu trên cho biết trường hợp bệnh nhi mắc ung thư phổi là cực kỳ hiếm, hai trường hợp nêu trên được cho là đã hấp thụ tế bào ung thư cổ tử cung trong nước ối của người mẹ tại thời điểm sinh nở, sau đó các tế bào ung thư đã di chuyển và gây ra bệnh ung thư phổi.
Trước đó, các nhà khoa học đã xác nhân trường hợp tế bào ung thư truyền từ mẹ sang con qua nhau thai, tuy nhiên, báo cáo về việc tế bào ung thư di chuyển qua nước ối của Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc gia Nhật Bản là lần đầu tiên trên thế giới.
Từ kết quả phân tích, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp tiêm chủng vaccine phòng ung thư cổ tử cung để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, cũng như nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
Trường hợp người mẹ bị mắc bệnh ung thư cổ tử cung sinh con, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị hình thức sinh mổ để hạn chế sự di chuyển của các tế bào ung thư./.